A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều ngày 16/11/2022, tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), dự buổi Lễ có Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các đơn vị, Sở, Ban, Ngành, các Hội của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Tại đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tạ Việt Hùng đã có bài phát biểu, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa, chúc mừng ngành Giáo dục nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)
Kính thưa:
- Đồng chí Dương Văn Thái-Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang;
- Đồng chí Lê Ánh Dương-Phó BTTU, Chủ tịch UBND tỉnh;
- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân-Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GDĐT, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, hôm nay, Sở GDĐT long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Lời đầu tiên, thay mặt Lãnh đạo Sở GDĐT cùng 30.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 500.000 học sinh trên địa bàn tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, khách quý, các đồng chí đã tới dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam! Kính chúc các đồng chí cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari. Năm 1954 với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo”. Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”.
Ở Việt Nam, với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Quyết định đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước, sự tôn vinh của nhân dân đối với những người làm nghề dạy học. Đây cũng là dịp để nhân dân và các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với các thày cô giáo. Suốt 40 năm qua, ngày 20/11 đã trở thành ngày hội lớn của các Nhà giáo Việt Nam.
Kính thưa các vị đại biểu!
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trong đạo. Người thày giáo luôn được mọi người kính trọng, vị nể và tôn vinh. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, có biết bao nhà giáo uyên thâm về tri thức, mẫu mực về nhân cách, lấy tâm đức để dạy người, để lại cho đời bài học về nhân cách, ứng xử và bản lĩnh, khí tiết thanh cao. Đó là các nhà giáo Chu Văn AnNguyễn Bỉnh KhiêmNguyễn Đình ChiểuNguyễn ThiếpLê Quý ĐônCao Bá QuátPhan Bội Châu... Tấm gương nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử dân tộc không thể không kể đến thày giáo Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ Quốc. Người đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển giáo dục với quan điểm đã đi vào tiềm thức của mọi người dân Việt Nam: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây-Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Hòa cùng đội ngũ giáo giới cả nước, các thầy giáo, cô giáo của tỉnh Hà Bắc xưa, Bắc Giang ngày nay luôn nêu cao truyền thống, nối gót cha anh, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cống hiến hết mình cho một nền giáo dục tiến bộ. Trong kháng chiến, nhiều thày giáo đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Các Đại đội mang tên Hoàng Hoa ThámNgô Gia TựNguyễn Văn Cừ... lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu. Nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc; và nhiều nhà giáo đã anh dũng hy sinh. Cùng với tinh thần hy sinh vì Tổ Quốc, hàng ngàn cán bộ, giáo viên ở hậu phương đã không ngừng phấn đấu với tinh thần tất cả “vì học sinh thân yêu”; nhiều thày cô giáo đã tình nguyện đi phục vụ vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng đến vùng hẻo lánh, đặc biệt khó khăn, từng ngày, từng giờ đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc ở các huyện Sơn ĐộngLục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... Đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt-học tốt”“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... đóng góp to lớn trong thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Suốt chiều dài lịch sử, những người thầy đã góp phần viết nên pho sử vàng về truyền thống hiếu học, yêu nước, anh hùng cách mạng. Chúng ta trân trọng, tưởng nhớ, tri ân những nhà giáo - chiến sĩ đã cống hiến hết mình, góp phần vào công cuộc kháng chiến và tham gia xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến.
Có thể khẳng định rằng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đánh giá cao những cống hiến của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt, thày giáo xứng đáng là thày giáo, là người vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Kính thưa các quí vị đại biểu, kính thưa các đồng chí!
40 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, hệ thống giáo dục Hà Bắc (nay là Bắc Giang) đã phát triển rộng khắp và thống nhất theo hệ thống giáo dục quốc dân. Tháng 01 năm 1997, tỉnh Hà Bắc tách thành Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau 25 năm tái lập tỉnh, sự nghiệp GDĐT tỉnh Bắc Giang có bước phát triển vượt bậc. Các nhiệm vụ phát triển giáo dục theo từng giai đoạn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực và có hiệu quả. Ngành GDĐT đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, tích cực đổi mới  công tác quản lý, tạo được sự thống nhất và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi, hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp GDĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học, ngành học không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 760 cơ sở giáo dục (tăng 205 cơ sở so năm 1997). Xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và kế hoạch của UBND tỉnh. Hệ thống trường, lớp, thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin... tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học và đổi mới giáo dục. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 93,1%. Có 710/760 trường đạt chuẩn quốc gia (93,4%), tăng 697 trường so với năm 1998.

Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Bắc Giang
 
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Hàng năm Sở GDĐT đều tham mưu thực hiện tốt việc tuyển dụng và hợp đồng giáo viên để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Phối hợp với  Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo đủ tỷ lệ và cân đối về cơ cấu bộ môn, đặc biệt ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, năng động và sáng tạo. Nhiều trường học, các thày giáo, cô giáo đã tích cực đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ đã làm chuyển biến rõ nét chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học.
Công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo. Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, có lúc tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Có thời điểm trên 300 cơ sở giáo dục phải trưng dụng làm khu cách ly; học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường; các hoạt động giáo dục phải hoãn lại, giảm quy mô, thay đổi hình thức... Phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương. Để thực hiện “mục tiêu kép”, cán bộ, giáo viên trong ngành luôn nêu cao tinh thần “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”“dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”“tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”... toàn ngành đã chủ động, linh hoạt, nhanh chóng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để hoàn thành chương trình, Bắc Giang trở thành điển hình cả nước về mô hình “Dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến”.
Công tác PCGD duy trì vững chắc. Tháng 12/2013, Bắc Giang được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD mầm non trẻ 5 tuổi (vượt 01 năm so với kế hoạch); tháng 12/2016 được công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD tiểu học mức độ 3 (vượt 04 năm so với KH). Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, PCGDTH học và PCGDTHCS mức độ 3.
Chỉ đạo thực hiện tốt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì và từng bước nâng lên theo hướng bền vững. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh đã góp phần quan trọng đáp ứng nguồn nhân lực, tạo động lực cho phát triển KTXH. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi. Chất lượng giáo dục toàn diện của tất các các bậc học năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,42% (điểm bình quân các môn xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm học trước).
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng, tỉnh đã ban hành Đề án và các cơ chế, chính sách để đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng Trường THPT Chuyên và các trường THCS chất lượng cao tại 10 huyện, thành phố, thông qua đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ năm 1997 đến 2022, đã có 1.242 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia; đạt 04 huy chương quốc tế (gồm 01 Huy chương Đồng Hóa học, 01 Huy chương bạc Toán học, 02 Huy chương Bạc Vật lý); đạt 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc châu Á; 01 Huy chương Đồng châu Âu.
Riêng năm 2022, toàn ngành đạt 274 giải quốc gia, trong đó 66 giải học sinh giỏi văn hóa (01 giải Nhất, 17 giải Nhì, 30 giải Ba, 18 giải KK), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về số lượng giải, là năm có số giải cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay; có 02 giải Khoa học kỹ thuật (xếp thứ 4 toàn quốc); 01 giải Ba cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (xếp thứ 4 toàn quốc).
Kính thưa các quí vị đại biểu!
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, ngành giáo dục Bắc Giang đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba (năm 1996), hạng nhì (năm 2020), hạng nhất (năm 2004). Đặc biệt là năm 2009 được đón nhận Huân chương độc lập Hạng ba; năm 2020 được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; được tặng nhiều bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT, UBND tỉnh.. Năm 2022, Sở GDĐT Bắc Giang được Bộ GDĐT tặng cờ thi đua đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm học 2021-2022.
Kính thưa các quí vị đại biểu, các đồng chí!
Trong buổi lễ trang trọng hôm nay, chúng ta một lần nữa nhìn lại những kết quả của Ngành Giáo dục Bắc Giang trong thời gian qua, nhất là thành tích sau 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, để thêm tự hào, tự tin vững bước trên con đường đổi mới. Chúng ta trân trọng cảm ơn những đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Sở, lãnh đạo Công đoàn ngành qua các thời kỳ, các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các nhà giáo tiêu biểu, cùng các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, những người đã và đang viết nên bảng vàng thành tích của sự nghiệp giáo dục Bắc Giang. Trong đó phải kể đến các đồng chí lãnh đạo đã cống hiến nhiều công sức và trí tuệ, chỉ đạo ngành giáo dục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Đó là TS. Nguyễn Văn Vọng  (Giám đốc Sở giai đoạn 1994-1998); Nhà giáo Nguyễn Ngọc Sơn (Giám đốc Sở giai đoạn 1998-2000); NGND. Nguyễn Nhung (Giám đốc Sở giai đoạn 2000-2004); Nhà giáo Ngô Văn Thọ (Giám đốc Sở giai đoạn 2004-2011); NGND. Nguyễn Đức Hiền (Giám đốc Sở  giai đoạn 2011-2018); Nhà giáo Trần Tuấn Nam (Giám đốc Sở  giai đoạn 2018-2021) và nhiều đồng chí lãnh đạo, CBQL, thày giáo, cô giáo khác.

Các nhà giáo được phong tặng danh hiệu lần thứ 14 năm 2017
 
Kính thưa các quí vị đại biểu!
Thành tích của ngành GDĐT có được hôm nay là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GDĐT, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thay mặt ngành GDĐT Bắc Giang, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các địa phương và nhân dân đã hết lòng chăm lo, tạo điều kiện để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển ngày càng bền vững. Xin ghi nhận công lao và nhiệt liệt biểu dương các thế hệ nhà giáo đã cống hiến hết mình, góp phần tô thắm thêm truyền thống hiếu học của quê hương Bắc Giang.
Kính thưa các quí vị đại biểu!
Phát huy truyền thống trong những năm qua, trong giai đoạn tới, Ngành GDĐT Bắc Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông với một số mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp GDĐT; tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, đầu tư CSVC trường học, trang thiết bị dạy học, nguồn lực tài chính, đội ngũ giáo viên... đáp ứng nhiệm vụ GDĐT trong giai đoạn mới, nhất là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Hai là: Đổi mới công tác quản lý, thực hiện tốt các giải pháp đột phá trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp học, coi đó là tiền đề, là điều kiện để duy trì và tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, là tiêu chí quan trọng để Ngành Giáo dục tạo được niềm tin trong xã hội.
Ba là: Bám sát mục tiêu đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật và ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp cho học sinh; kết hợp hài hòa “dạy chữ”“dạy người”  “dạy nghề”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, hiện đại và có văn hoá.
Bốn là: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn, giữ vững và nâng cao kết quả GDĐT so với cả nước. Tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho “3 trụ cột” (1) Chuyển đổi số; (2) Đội ngũ giáo viên; (3) Ngoại ngữ để ngành Giáo dục tỉnh tỉnh nhà tiếp tục phát triển và hội nhập quốc tế.

Năm là: Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu. Mỗi nhà giáo thường xuyên nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tự học, tự bồi dưỡng để nâng tầm kiến thức, đổi mới tư duy, sáng tạo trong giảng dạy; có tình đồng nghiệp, lòng yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng tạo cơ hội và động lực cho nhà giáo phấn đấu, vươn lên, cống hiến và sáng tạo.
Kính thưa các quí vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả thực chất và bền vững chính là tiêu chí quan trọng để Ngành giáo dục tạo được niềm tin, xây dựng hình ảnh đẹp và khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Niềm tin và vị thế ấy Ngành giáo dục đã và đang đặt vào hơn 30 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của 760 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Dẫu công cuộc đổi mới còn không ít gian nan, thách thức với không ít ý kiến trái chiều và cả những kỳ vọng của xã hội về một nền giáo dục hiện đại; dẫu đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn; dẫu những điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục có nơi còn chưa đáp ứng; song, chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ của các doanh nghiệp, nhân dân, toàn ngành Giáo dục quyết tâm, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, với phương châm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi nhà giáo thực sự xứng đáng với danh hiệu: những “chiến sĩ” trên “mặt trận văn hóa”, để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, cao quý  của sự nghiệp “trồng người”.
Trong buổi Lễ trang trọng hôm nay, một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Giáo dục qua các thời kỳ, các quý vị đại biểu, khách quý luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
 Xin trân trọng cảm ơn !

Tác giả: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 33
Hôm qua : 160
Tháng 04 : 1.962
Năm 2024 : 21.545
Saturday, 20/04/2024 - 10:11|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường THCS Việt Ngọc!